Follow Us @soratemplates

Thứ Tư, 5 tháng 3, 2025

TIỀN MÃ HÓA: NHỮNG KỲ VỌNG VÀ ẢO TƯỞNG


Nhân việc Chính phủ đề cập đến việc định hình khung pháp lý quản lý tài sản số, tiền mã hóa (tiền số) và cho phép lập sàn giao dịch, tôi muốn chia sẻ một số nhận định của mình trong một Báo cáo về chủ đề này. Ở Việt Nam, với tình trạng đầu cơ cao và nhu cầu thực hiện các giao dịch ăn chênh lệch (margin) trở thành một món ăn “khoái khẩu”, việc tiền mã hóa có một cửa hoạt động lập pháp được đón nhận với rất nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, việc thiếu hiểu biết một cách sâu sắc về lĩnh vực này, thậm chí biết nhưng còn cố tình lờ đi và nói sai ở một số nhân vật đang vận động hành lang cho việc mở cửa lĩnh vực này, lại đẩy rất nhiều nhà đầu tư cá nhân vào những ảo tưởng. Chúng ta đang là một quốc gia có tỷ lệ lừa đảo trực tuyến cao, và vừa rồi cũng rất nhiều kẻ lừa đảo đầu tư các loại hình tiền mã hóa như thế này đã bị bắt với số tiền lừa đảo được lên đến hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ. Điều đó cho thấy việc nhận thức được vấn đề đúng đắn để không ảo tưởng và tránh bị lừa trở nên hết sức quan trọng, trong một lĩnh vực rất phức tạp này.

Với giới hạn, tôi sẽ bỏ qua tất cả những vấn đề kỹ thuật chuyên sâu về công nghệ số, về tài chính và cả thiết kế hệ thống, mà chỉ nói một cách vắn tắt, đơn giản để mọi người có thể nắm được những yếu tố chính của vấn đề. Những điều chưa rõ sẽ cần phải có thời gian để tìm hiểu và học hỏi thêm.
I/ Thứ nhất: tiền mã hóa (crytocurrency) tạo ra các loại coin không phải là money (tiền):
Bitcoin là sản phẩm của một dự án chính trị và blockchain là công nghệ đã làm cho dự án này trở nên khả thi (M. Montalblan, 2017). Nhận định này có một ý nghĩa quan trọng để chúng ta hiểu bản chất vấn đề. Có nhiều cách để giải thích vấn đề này, nhưng tại sao lại vào lúc này và tại sao nó diễn ra theo các chiều hướng như hiện nay, tựu chung, có thể quy về một vấn đề trung tâm duy nhất, đó là “nhu cầu hình thành một trật tự tài chính quốc tế” mới. Sự phát triển của công nghệ, cuộc cách mạng kỹ thuật số đã tạo ra những tiền đề quan trọng cho điều kiện cần, và giờ đây tiến trình chuyển đổi số đang tạo ra những điều kiện đủ, cho tiến trình định hình “trật tự tài chính quốc tế” mới này trong một tồn tại thực tại mới Số (Digital). Có ba điều cần quan tâm để hiểu tại sao Coin không thể là Money (tiền) theo đúng nghĩa của nó:
+ Một “chủ thể” được gọi là tiền khi và chỉ khi nó được default – tức là được bản vị bằng một đại lượng giá trị tương đương được cộng đồng chấp thuận như một “đơn vị” trao đổi ngang giá (vàng, bạc, pháp định, tín chỉ carbon...).
+ Tiền không thể “thanh khoản”, “giao dịch”, “thực hiện các nghiệp vụ” một cách tự do, mà phải tuân thủ theo rất nhiều các quy định, các thể chế, luật pháp, thông lệ... từ các định chế tài chính, quốc gia, các tổ chức quốc tế.
+ Tại mỗi quốc gia chỉ có một loại “tiền” duy nhất được “pháp định”.
Do vậy, các dự án tiền mã hóa chính là những thử nghiệm chính trị-kinh tế-công nghệ cho phép các chính phủ/ngân hàng trung ương tìm kiếm những giải pháp chính trị-kinh tế-công nghệ phù hợp để định hình một trật tự tài chính quốc tế mới. Để tiền mã hóa thực sự là “tiền” nó phải đạt được cả ba yêu cầu trên.
II/ Thứ hai: các biên giới không “mở” như chúng ta tưởng để có thể giao dịch hợp pháp các loại tiền mã hóa
Hiện tại, ở rất nhiều quốc gia các loại “tiền mã hóa” đều được coi là bất hợp pháp (illegal) khi những người sở hữu coi nó là “tiền” và sử dụng nó như một phương tiện giao dịch.
Chúng ta nên nhớ rằng, “tiền” không đơn giản và dễ dàng kiến tạo nên như việc chúng ta đang kiến tạo những đồng coin dưới nhiều loại dạng và kỹ thuật khác nhau như hiện nay. Việc lưu chuyển tiền qua các biên giới hết sức phức tạp, đặc biệt ở những nền kinh tế như Việt Nam.
+ Bạn có chuyển một số tiền nhất định qua biên giới (vào/ra) bằng một đồng tiền pháp định đã khá mất thì giờ và phải chịu qua rất nhiều khâu kiểm duyệt. Cho nên cũng đừng ảo tưởng rằng ta có thể dễ dàng chuyển khoản một số tiền nào đó để mua/bán một cái gì đó xuyên biên giới, ở Singapore, chẳng hạn dễ dàng, đặc biệt khi “món hàng” đó lại là một thứ như “tiền mã hóa”.
+ Các nghiệp vụ chống rửa tiền, chống lừa đảo, chống tài trợ cho khủng bố, kiểm soát giao dịch có điều kiện... sẽ là những trở ngại vô cùng lớn đối với các lưu chuyển tiền tệ xuyên biên giới. Ngay cả khi chúng ta thực hiện những dịch vụ hoán đổi tại chỗ song song giữa hai bên (trong nước và ngoài nước cùng lúc), các giao dịch này cũng gia tăng nguy cơ rủi ro hơn khi nguồn tiền không “sạch” và được sử dụng vào các mục đích “phi pháp”.
+ Việc kiểm soát các chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương sẽ không cho phép những hoạt động tiền tệ được “tự do hoạt động” vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến những vấn đề lạm phát, tỷ giá hối đoái, đầu tư,... có tính sống còn đối với nền kinh tế quốc gia. Do vậy, không vì bất kỳ lý do gì NHNN sẽ cho phép tồn tại một thứ “tiền” nào khác, không do mình phát hành hay kiểm soát.
III/ Thứ ba: không tự dưng một thứ “hư vô” trở thành tài sản/tiền/giấy tờ có giá... một cách đơn giản như vậy.
Chúng ta có thể nghĩ một cách đơn giản thôi, không ai tự dưng có thể tạo nên một thứ gì đó từ “hư vô” và hóa phép nó thành tài sản một cách đơn giản, chứ chưa nói đến trở thành tiền. Một giấy tờ có giá, chẳng hạn như cổ phiếu/trái phiếu... chẳng hạn, để phát hành ra công chúng, công ty đó phải tồn tại, phải đạt được những yêu cầu và quy định của pháp luật một cách chặt chẽ để có thể đăng ký với cơ quan quản lý hợp thức, thường là các Sở Chứng khoán việc phát hành các cổ phiếu/trái phiếu này với những số lượng, giá trị và các điều kiện liên quan một cách cụ thể. Dựa trên nền tảng đó, các giao dịch này khi thực hiện mới có thể thực hiện nghiệp vụ lưu ký, đảm bảo cho các giao dịch hợp thức, hợp pháp.
Vậy với những cái gọi là “tài sản số”, “tiền mã hóa” hiện nay, chúng dựa trên nền tảng nào để định hình cho chúng ta tính giá trị của chúng như một tài sản, chứ chưa nói đến tính tiền tệ (mặc dù chúng có thể, về mặt kỹ thuật, thực hiện được đầy đủ các chức năng của tiền tệ như đồng bitcoin chẳng hạn)?
Hãy nhớ rằng, trên thế giới này, đặc biệt trong thế giới tài chính, ngay cả vàng cũng không thể có giá trị giao dịch tự do nếu không thực hiện các nghiệp vụ “chứng thực” và “lưu ký” của các thể chế và định chế tài chính quốc tế, quốc gia.
Do vậy, đa phần các loại hình chúng ta đang giao dịch gọi là “tài sản số”, “tiền mã hóa” chẳng qua là một hình thái giao dịch đầu cơ theo số lượng giao dịch, tức là giá trị được hình thành một cách “ảo hóa” và “được định giá bằng số lượng/nhu cầu giao dịch dựa trên tổng số tài sản/tiền mã hóa được hình thành”. Khi nhu cầu giao dịch biến mất, hoặc đơn giản “nhà cái kỹ thuật” tạo ra các “tài sản/tiền mã hóa” này biến mất, những thứ chúng ta đang sở hữu/giao dịch cũng biến mất mà chúng ta không thể làm gì được.
IV/ Thứ tư, bản chất của một thứ phi tập trung, ngang hàng, mạng lưới lại chỉ có thể thực tồn nếu nó hội tụ, không thể hợp pháp hóa một thứ không thể kiểm soát
Hãy nhìn từ Bitcoin, chúng được tạo thành từ:
+ Một mạng ngang hàng phi tập trung (giao thức bitcoin);
+ Một sổ cái giao dịch công khai (blockchain);
+ Một tập hợp các quy tắc để xác thực giao dịch và phát hành tiền tệ độc lập (các quy tắc đồng thuận);
+ Một cơ chế để đạt được sự đồng thuận phi tập trung trên blockchain hợp lệ (thuật toán bằng chứng công việc).
Những nền tảng này đã tạo ra cho Bitcoin (đồng bitcoin) và các loại tiền mã hóa khác (dựa trên các nền tảng kỹ thuật có các đặc tính tương tự) một hình thái “tự do, vô chính phủ”. Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy, muốn ly tâm được thì lực hướng tâm lại phải rất mạnh. Các nền tảng tiền mã hóa này đều được phát triển trên một nền tảng (platform) nhất định, mang tính tập trung, hội tụ, có thể hình dung giống hình ảnh gốc rễ của một cái cây. Cái cây có thể tỏa ra nhiều nhánh, nhiều cành... nhưng nó vẫn phải tụ về một gốc. Điều gì sẽ xảy ra khi nền tảng này biến mất?
Chúng ta thường biết rất ít về những “gốc” này và do vậy, nếu như cho phép hợp thức hóa các giao dịch nào đó liên quan đến tài sản số, tiền mã hóa, Chính phủ phải đảm bảo “kiểm soát” được các nền tảng này cả về mặt thể chế và công nghệ. Không thể hợp pháp hóa một thứ không thể kiểm soát, kể cả thu thuế (bản chất là một hình thức công nhận tính hợp pháp).
Có thể hình dung một cách đơn giản, chúng ta không thể chỉ nghĩ lập ra các sàn giao dịch – giống như cái chợ, nhưng không hề kiểm soát được hàng hóa lưu thông trong chợ, từ nguồn gốc, chất lượng, giá cả... chỉ đơn giản để thu thuế hay...
V/ Thứ năm: sự phát triển của tài sản số và tiền mã hóa là một xu thế tất yếu của thời đại, một nền tảng quan trọng cho sự phát triển kinh tế số, nhưng....
Sự phát triển của tài sản số và tiền mã hóa, như đã nói, là một dự án chính trị quan trọng, nó góp phần quan trọng cho việc định hình một “trật tự tài chính thế giới” mới đi cùng với một trật tự thế giới mới. Chúng ta đang sống trong một giai đoạn bản lề của sự chuyển dịch trật tự thế giới. Cũng chính vì vậy, chúng tôi luôn nói rằng bản chất, gốc rễ của tiến trình chuyển đổi số chính là tài chính – định hình nên “một nền tảng tài chính cho trật tự tài chính thế giới mới’.
Vượt qua những giới hạn và rào cản của hệ thống trật tự tài chính cũ được hình sau Bretton Woods là một nhiệm vụ quan trọng của “những kẻ mới nổi” để giành được vị thế và vị trí của mình trên/trong trật tự tài chính thế giới và tiếp cùng đó trật tự thế giới mới. Cụ thể ở đây, là vượt qua được vòng kiểm tỏa của SWIFT, chuyển dịch các giao dịch tài chính quốc tế từ (e-điện tử) sang một hình thái mới PLAFORM (o-trực tuyến); từ tập trung sang phi tập trung; từ thứ bậc sang ngang hàng.
Thứ hai, tài sản số và tiền mã hóa cũng đang được thử nghiệm để chứng thực năng lực “thẩm thấu giá trị” nhằm tìm ra một cách thức mới cho việc tích lũy tài chính của một thế giới vốn đang “quá thừa tiền” và dựa trên nền tảng kinh tế số để luân chuyển, chu chuyển và thực hiện các nghiệp vụ giao dịch tài chính.
VI/Cuối cùng, là định hình nên một phương thức kiến tạo tài sản mới cho phép gia tốc nhanh hơn nữa việc chuyển hóa hình thái giá trị của các tài sản hiện có, phù hợp với một môi trường sống mới đang được kiến tạo thông qua tiến trình chuyển đổi số - môi trường thực-số (reality-digital).
Nhưng, như chúng ta cũng nhìn thấy cả ba mục tiêu này đều không phải là một “thứ dành cho số đông”, thậm chí ở tầm quốc gia. Nó phụ thuộc và chịu sự quyết định của những “người chơi chủ chốt” (key-player) ở tầm quốc tế, định hình nên thế giới này.
Do vậy, đừng ảo tưởng ở bất cứ điều gì vô chính phủ, các quyền tự do, hay cả việc định giá trị của những thứ ta đang sở hữu
Cuối cùng: quyền phát hành tiền có ý nghĩa chủ quyền và sống còn đối với mỗi quốc gia
Do vậy, không một quốc gia nào nếu họ sở hữu Ngân hàng Trung ương, như Việt Nam cho phép ai đó có quyền phát hành tiền ngoài mình cả. Mọi loại tiền mã hóa sẽ chỉ như một tài sản số thuần túy mà không được phép sử dụng như “tiền” trong thanh toán/giao dịch.
Do vậy, cần hiểu rõ tính chất của từng loại hình giao dịch khi thực hiện các giao dịch tài sản số hay tiền mã hóa để không vi phạm pháp luật. Cũng đừng ảo tưởng rằng một ai đó có thể vượt lên trên tất cả để “phát hành tiền”, ngoài chính những người chơi đang quyết định việc phát hành của các gia.
Ai có quyền phát hành tiền, kẻ đó sẽ nắm quyền chi phối. Cũng giống Mỹ và EU chẳng hạn, trong thời kỳ đại dịch họ đã lợi dụng quyền phát hành tiền để in ra hàng ngàn tỷ USD và euro nhằm dùng tiền đó đi mua hàng khắp toàn cầu, song rồi chính họ, lại đẩy lạm phát ra toàn cầu. Ở Việt Nam, chỉ có Chính phủ Việt Nam thông qua Ngân hàng nhà nước phát hành.
Lê Nguyễn Trường Giang - viện DTSI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.